Nỗi lo nguồn cung trước nguy cơ xung đột Israel – Iran kéo giá dầu Brent và WTI lên cao nhất kể từ tháng 10/2023.
Chốt phiên giao dịch 5/4, dầu thô Brent tăng 0,6% lên 91,17 USD một thùng. Dầu thô Mỹ cũng tăng 0,4% lên 86,9 USD. Cả hai mức giá này đều là cao nhất 6 tháng.
Tuần này, cả dầu Brent và WTI đều tăng hơn 4%. Nguyên nhân là Iran tuyên bố sẽ trả đũa Israel vì một tướng Iran thiệt mạng trong vụ tập kích ở Syria hồi đầu tuần. Israel chưa nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.
Iran là nước sản xuất dầu lớn thứ 3 OPEC. “Nếu Iran trực tiếp tấn công Israel, đây sẽ là việc chưa từng xảy ra. Hiệu ứng domino trong chuỗi rủi ro địa chính trị vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt”, Phil Flynn – nhà phân tích tại Price Futures Group nhận định trên Reuters.
Bên cạnh đó, một quan chức NATO hôm 4/4 cho biết các nhà máy lọc dầu Nga có thể bị giảm 15% công suất do các cuộc tấn công liên tiếp của Ukraine gần đây. Việc này sẽ tác động đến sản lượng xăng của Moskva.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) tuần này quyết định giữ nguyên chính sách sản xuất. Họ cũng gây sức ép lên một số thành viên, buộc tuân thủ chính sách giảm sản xuất dầu.
“Việc siết quy định với các thành viên có thể khiến sản lượng của OPEC+ giảm sâu hơn trong quý II. Nguồn cung bị siết chặt sẽ khiến tồn kho giảm sút quý tới”, các nhà phân tích tại ANZ nhận xét.
Trong khi đó, báo cáo việc làm Mỹ tháng 3 công bố hôm 5/4 cho thấy thị trường lao động sôi nổi hơn dự kiến. 303.000 việc làm mới được tạo ra có thể kéo nhu cầu dầu lên cao, nhưng cũng nhiều khả năng làm trì hoãn thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất năm nay.
Các nhà phân tích tại JPMorgan dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng 1,4 triệu thùng một ngày trong quý II. Trong khi đó, hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes hôm 5/4 ước tính các công ty năng lượng Mỹ đã giảm số giàn khoan 3 tuần liên tiếp, xuống thấp nhất từ đầu tháng 2. Đây được coi là chỉ báo về sản lượng dầu khí trong tương lai